VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước

VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước

VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước

Hội thảo sáng 9/7 có sự tham gia của lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Tổng hội Xây dựng, Hội Thuỷ lợi, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị  Việt Nam cùng đại diện, lãnh đạo các doanh nghiệp ngành Nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề cập một số vướng mắc trong quá trình biên soạn Luật và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện khung thể chể, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hiệu quả, đảm bảo nhu cầu dân sinh…

Cần làm rõ một số thuật ngữ và nguyên tắc trong dự thảo Luật

VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước- Ảnh 1.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh chia sẻ về một số vướng mắc cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật

GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết cần làm rõ một số khái niệm quan trọng như khái niệm “nước sinh hoạt”. Ông đề xuất bổ sung khái niệm “nước sinh hoạt” vào dự thảo Luật nhằm làm rõ sự khác nhau giữa “nước sinh hoạt” và “nước ăn uống”. Bởi “nước uống” được điều chỉnh theo QCVN 6-1/2010; trong khi “nước sinh hoạt” được định nghĩa theo QCVN 01-1/2018. 

Về nguyên tắc quản lý hoạt động cấp nước, ông Nguyễn Việt Anh cũng đề xuất cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo liên tục chuỗi hệ thống cấp nước. Hiện tại, hệ thống cấp nước tại Việt Nam đang bị ngắt quãng gây nên nhiều bất cập. Chất lượng nước tại hộ gia đình hay các khu chung cư vẫn chưa được đảm bảo. Chính vì sự ngắt quãng đó mà các công ty cấp nước phải giảm áp lực nước để hạn chế thất thoát gây nên khó khăn trong quá trình đảm bảo chất lượng nước cấp. Vì vậy, việc đảm bảo chuỗi liên tục cho hoạt động cấp nước là vô cùng quan trọng và cần được nâng cao từng bước.

Đối với thoát nước, việc tái sử dụng nước thải vẫn chưa được quan tâm. Chính vì thế, nước thải đem theo nhiều mầm bệnh vẫn âm thầm “đi” vào chuỗi thức ăn. 

Đồng thời, ông cũng nhận định, hiện dự thảo Luật chưa nêu rõ việc chi trả kinh phí cho vấn đề thoát nước mưa trong khi đây là một nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, về vấn đề này thì trong dự thảo Luật chưa nêu rõ việc chi trả kinh phí thoát nước mưa thuộc về ai ngoài nhà nước. Người dân cũng cần có trách nhiệm đóng góp chi phí này thông qua giá dịch vụ thoát nước hoặc thông qua đầu tư cho khu đô thị.

Đối với loại hình thoát nước, hiện tại đang có 3 khái niệm đó là: thoát nước chung, thoát nước riêng, thoát nước nửa riêng. Theo ông Việt Anh, ở một số quốc gia đã không còn áp dụng loại hình thoát nước nửa riêng. Chính vì vậy, đây là cơ hội để thay đổi và chỉ giữ lại hai loại hình là “thoát nước chung” và “thoát nước riêng”, đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới và đổi mới các quy chuẩn về kỹ thuật của các dự án trong tương lai. 

Bên cạnh đó, ông Việt Anh bày tỏ quan điểm về vấn đề quản lý và vận hành hệ thống cấp nước trong dự thảo luật vẫn chưa nêu rõ được trách nhiệm của đơn vị cấp nước. Hiện nay, các đơn vị cấp nước chỉ quản lý thông qua đồng hồ đo nước và cần có thêm quy định rõ hơn về vấn đề này trong dự thảo Luật. Đối với quản lý hệ thống thoát nước, trong dự thảo luật vẫn chưa nêu rõ về quản lý chất lượng dịch vụ. Trước đây đã nêu rõ rằng dịch vụ thoát nước phải được quản lý theo chất lượng dịch vụ (úng, ngập,…), không phải quản lý theo khối lượng nước thải. Dần dần phải định hướng rằng dịch vụ thoát nước phải được quản lý theo chất lượng dịch vụ. Hiện tại, hệ thống thoát nước ở khu vực ven đô, thị trấn là không có. Vì vậy, trong Luật Cấp thoát nước không chỉ có những điều luật về thoát nước đô thị mà cần phải có cả thoát nước ở khu vực nông thôn, ven đô.

Bổ sung thêm chế tài trong dự thảo Luật

VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước- Ảnh 2.

GS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đóng góp ý kiến

Góp ý về bản thảo mới nhất của dự thảo Luật Cấp Thoát nước, PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho biết, việc xây dựng chính sách pháp luật ngành Nước dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định từ Nghị 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.

Do đó, để hoàn thiện dự thảo Luật dành cho ngành Cấp Thoát nước, ban biên soạn cần bổ sung thêm các quy định, nội dung về chế tài cụ thể. Như vậy sẽ đảm bảo được công tác quản lý vận hành ngành Cấp Thoát nước. 

Bên cạnh những ý kiến trên, buổi hội thảo đã ghi nhận hơn 20 ý kiến khác nhau từ các chuyên gia và đơn vị, công ty ngành nước. Kết thúc hội thảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hạ tầng Tạ Quang Vinh nhấn mạnh: “Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để cập nhật vào tài liệu; đồng thời mong muốn các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu góp ý để Ban soạn thảo tiếp tục cập nhật, hoàn thiện nội dung dự thảo”.

Khiêm Anh – An Nhiên

Các bài viết liên quan