Hà Nội quyết tâm “hồi sinh” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng
Trải dài 14km, sông Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Theo ước tính, sông Tô Lịch mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ. Do đó, tình trạng ô nhiễm của dòng sông này ngày càng trầm trọng.
Mới đây, Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua, đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa – lịch sử Thủ đô.
Trước đó, từ những năm 2000 cho đến nay, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để “hồi sinh” các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét.
Tồn tại lớn nhất của dự án là việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý. Trong đó, hệ thống tuyến cống ngầm dọc sông Tô Lịch (hơn 21km) đã hoàn thành 90% khối lượng; cống dọc sông Lừ (hơn 7km) được 10%; cống khu vực Hà Đông đạt 16% khối lượng.
Trong dịp kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá vào cuối tháng 2 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để năm 2025 hoàn thành hệ thống đường ống gom nước thải về nhà máy.
Tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.
Cùng vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) vừa đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.
Đề án cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, việc kết hợp cầu giao thông, tận dụng khai thác nguồn thủy năng góp phần bảo đảm hệ thống điều độ điện quốc gia, xây dựng các âu thuyền, đường cá đi, duy trì hệ sinh thái thủy sinh trên sông, tạo cảnh quan là điểm nhấn phù hợp với quy hoạch thành phố hai bên sông của Hà Nội.
Khiêm Anh