Người dân TP.HCM bày tỏ hài lòng về chất lượng dịch vụ nước sạch năm 2023

Bên cạnh việc cung ứng điện, cấp nước là một trong số 5 dịch vụ công ích quan trọng được người dân TP.Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đa số người dân bày tỏ hài lòng về chất lượng dịch vụ, song không ít người chưa hài lòng về dịch vụ thoát nước vì hiện tượng ngập lụt tại đô thị.

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã công bố báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động và cung cấp một số dịch vụ công ích ở thành phố năm 2023, nằm trong kế hoạch của UBND thành phố giai đoạn 2022-2025.

Viện đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai công tác điều tra xã hội học đối với các hộ dân của 18 quận, huyện và TP Thủ Đức trong các lĩnh vực: cung cấp điện, nước sạch; thu gom vận chuyển xử lý rác thải đô thị; thoát nước đô thị; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Với 5.300 phiếu phát ra, thu về 5.290 phiếu, đạt tỷ lệ 99,8% phản hồi.

Giá nước đặc biệt được chú ý

Bên cạnh giá điện, giá nước sạch là vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất. Bởi nước sạch là sản phẩm thiết yếu cho xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Giá nước sạch sinh hoạt do nhà nước định giá và được Nhà nước hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp nhằm phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cả vật tư thiết bị ngành Nước tăng cao, các công ty cấp nước gặp nhiều khó khăn nên đang phải hạn chế các chi phí sản xuất. Các chi phí đầu vào của ngành Nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm và người dân. Do đó, các biến động liên quan đến giá dịch vụ cung cấp nước sạch cần được đánh giá cẩn trọng; đồng thời phải thông tin sớm và rõ ràng cho người dân khi có sự điều chỉnh giá.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất trong năm tới, cần tăng cường kiểm tra, bảo trì hạ tầng cấp nước, giảm thất thoát và hạn chế tình trạng cắt nước phục vụ sinh hoạt người dân.

Người dân TP.HCM bày tỏ hài lòng về chất lượng dịch vụ nước sạch năm 2023- Ảnh 1.

Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh

 

Đối với việc cung cấp nước sinh hoạt, chất lượng nước và hạ tầng đường ống là hai vấn đề cần chú trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng trực tuyến để tra cứu thông tin, nhận thông báo đóng tiền và thanh toán qua điện thoại, máy tính… còn chưa cao (dưới 20%) trong bối cảnh công ty điện lực bỏ thông báo giấy và tin nhắn điện thoại. Điều này cho thấy công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng trực tuyến cần được quan tâm hơn nữa. Hình thức gửi thông báo đóng tiền và thanh toán phù hợp cho nhóm khách hàng lớn tuổi, gia đình neo đơn ít có điều kiện dùng điện thoại thông minh vẫn là một trong những hạn chế chưa được khắc phục triệt để.

Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ hài lòng của người dân TP.HCM với dịch vụ cung cấp nước sạch vẫn đạt mức tốt 72%. Dự kiến con số này có thể tăng lên trong năm tới khi các công ty cấp nước đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ đối với khách hàng như rút ngắn thủ tục hành chính, cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chuyên môn.

Quan ngại về tình trạng ngập lụt đô thị

Khu vực nội thành tiếp tục là khu vực có tỷ lệ hài lòng thấp về dịch vụ thoát nước đô thị. Chỉ số hài lòng chung chỉ đạt mức 23%. Các chỉ số khác như Tiếp cận dịch vụ; Chất lượng cung cấp dịch vụ; Tiếp nhận kiến nghị và phản hồi;… lần lượt chỉ đạt 27%, 29% và 24%. Nguyên nhân được cho là trong năm 2023, tình trạng ngập lụt đô thị vẫn tiếp tục tái diễn và trở thành nỗi “ám ảnh” quen thuộc của nhiều người khi cứ mưa to là ngập nặng.

Người dân TP.HCM bày tỏ hài lòng về chất lượng dịch vụ nước sạch năm 2023- Ảnh 2.

Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh

 

Do đó, giải pháp quan trọng nhất được đề xuất là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cách chống ngập tại các điểm ngập hiện hữu. Việc thoát nước và chống ngập không chỉ dừng lại ở giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp các giải pháp mang tính liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đo thị, theo từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể, từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình, các giải pháp bơm, đề, cốt nền, hồ điều tiết,… Thêm vào đó, người dân mong muốn thành phố cải thiện việc cải tạo kênh rạch, nâng đường, nâng nền, xây cống ngăn triều, gắn lưới ngăn rác ở miệng cống, xử phạt hành vi xả rác gây tắc nghẽn nắp cống, hố ga…

Đồng thời, Viện đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ đưa nền tảng báo cáo ngập trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định (FEDS) vào vận hành; đồng thời hỗ trợ đơn vị quản lý chống ngập trong công tác tổng hợp, trích xuất dữ liệu, xây dựng kế hoạch chống ngập, từ đó cải thiện tình trạng ngập và chất lượng dịch vụ thoát nước đô thị của TP.HCM.

Khiêm Anh

 

Các bài viết liên quan