Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương, tại thị trấn Okuma, quận Fukushima, Nhật Bản (Ảnh: Reuters).
Vào 13h (11h giờ Hà Nội), Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển. Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), thực hiện hoạt động này khi điều kiện biển và thời tiết không có biến động.
TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.
Các giám sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có mặt tại nhà máy thực hiện các thủ tục liên quan. Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước và cá sau đó để phân tích, dự kiến công bố kết quả “sớm nhất vào ngày mai”.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, giới chức Nhật Bản từ năm 2021 bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải qua xử lý xuống biển. Nước được lọc, pha loãng triệt để, loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.
Nhật Bản quy định giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống.
Tokyo và IAEA cho biết nước sẽ được xả từ từ trong nhiều thập kỷ. Với kế hoạch xả 31.200 tấn nước thải ra biển trong năm tài khóa 2023, lượng tritium giải phóng ra biển sẽ vào khoảng 5 nghìn tỷ Bq.
Kế hoạch xả thải của Nhật Bản vấp phải phản đối từ phía các nghiệp đoàn đánh cá nước này, cũng như các láng giềng như Trung Quốc hay phe đối lập Hàn Quốc.
Sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo ấn định ngày bắt đầu xả thải, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật để “giao thiệp nghiêm khắc” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ “triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân”.
Đại sứ Nhật Hideo Tarumi cảm thấy tiếc trước lập trường của Trung Quốc, nhưng khẳng định Tokyo sẵn sàng duy trì liên lạc với Bắc Kinh ngay cả sau khi xả thải.