Một góc thi công dự án cải tạo sông Tô Lịch. Ảnh: Vnexpress
Tia hy vọng len lỏi
Trong những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông chết chảy qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Lộ trình hồi sinh đó ngày càng hiện hữu khi vào đầu tháng 3/2022, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm nhấn của quy hoạch trên là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Tin tức này được phổ cập trên các phương tiện truyền thông nhận được nhiều hưởng ứng của người dân trên các trang mạng xã hội. Vì việc này không chỉ đem lại cho Thủ đô một diện mạo mới, mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố.
Thời gian trước khi quy hoạch được thông qua, Hà Nội cũng triển khai nhiều dự án với đường lối cụ thể. Đầu tiên, thành phố phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Do đó, quy mô nhà máy xử lý nước thải luôn được đề cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô. Theo nhiều chuyên gia, điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo dòng chảy cho các sông Tô Lịch, sông Tích sau này. Vì vậy, các nhà máy trên đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.
Cụ thể, tháng 10/2016, thành phố Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Đến nay, việc thi công dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã hoàn thành 96%. Nhà máy đang chờ kết nối đồng bộ với hệ thống cống ngầm dẫn nước thải để vận hành thử trong năm nay.
Đánh giá về chất lượng xử lý nước thải của dự án, ông Mai Thanh Phong (kỹ sư kiêm vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) cho biết: “Nguồn nước sau khi xử lý xong sẽ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt “.
Đánh giá về công suất của dự án, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam) cho hay: đây là dự án lớn, khả thi về lưu lượng khi đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khu vực trên 1 triệu dân, với lưu lượng tính toán trung bình khoảng 100 lít/người/ngày.
Hệ thống nói trên là điểm nổi bật của dự án, hệ thống cống ngầm dẫn nước thải về nhà máy được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản. Công nghệ này được thực hiện bằng cách đào các giếng cách nhau khoảng vài trăm mét. Máy khoan cùng các ống đúc sẵn sẽ được vận chuyển xuống thông qua các giếng này. Sau khi khoan, các chuỗi ống đúc sẵn được đặt nối tiếp theo đường khoan trong lòng đất. Máy khoan sau đó sẽ cán đích tại giếng tiếp theo, tạo nên một tuyến ống nối giữa hai giếng. Ưu điểm của phương án này là chỉ cần đào sâu ở các điểm giếng mà không cần đào hở trên toàn tuyến; tránh xung đột với móng, mố trụ của tuyến đường sắt đô thị.
Hệ thống trên gồm ba hệ thống sau: hệ thống tuyến cống ngầm dọc sông Tô Lịch (hơn 21km); cống dọc sông Lừ (hơn 7km); cống khu vực Hà Đông. Cũng trong ngày 16/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra trực tiếp hệ thống cống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch khu vực ngã ba sông Lừ – sông Tô Lịch.
Để kế hoạch hồi sinh các dòng sông của thành phố thành công, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, sau khi dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu phương án bổ cập nước vào các dòng sông.
Nói về việc này, ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh: cần làm dòng chảy cưỡng bức cho sông Tô Lịch bằng cách bơm trực tiếp nước từ sông Hồng, hoặc lấy nước sông Hồng “quá cảnh” qua hồ Tây rồi chảy về sông Tô Lịch.
Do đó, Hà Nội đang hạn chế cũng như tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Điều này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để thực hiện phương pháp bổ cập nước nói trên.
Thông tin về dự án nói trên luôn được cập nhật trên các trang báo uy tín, nhiều người dân đang có sự tin tưởng nhất định vào kế hoạch nói trên có thể giảm bớt phần nào ô nhiễm cho dòng sông Tô Lịch.
Sự tin tưởng ngày một lớn
Cộng đồng trên các trang báo mạng lớn bày tỏ thái độ tin tưởng phương án nói trên sẽ thành công. Một độc giả của Tuổi trẻ online liên tưởng đến dự án cống ngầm thu gom nước thải của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 8,7 km, chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Cuối những năm thế kỷ 20, đây là một trong những con kênh liên quận ô nhiễm bậc nhất, tưởng như khó có sinh vật nào tồn tại được. Trên và ven tuyến kênh này cư ngụ hàng ngàn hộ dân lao động, hình thành nên những khu dân cư tự phát nhếch nhác, mất an toàn.
Nhận thấy tình hình trên, kế hoạch chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch đã được rục rịch triển khai. Hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người được di dời trong thời điểm đó. Dự án Vệ sinh môi trường được UBND TP.HCM chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một được triển khai từ năm 1999 đến 2012 với tổng mức đầu tư 276,24 triệu USD. Sau khi hoàn thành vào năm 2012, tuyến kênh và đường ven kênh hiện nay đã đầy mảng xanh, sạch đẹp và nước kênh không còn ô nhiễm, hôi thối nữa.
Giai đoạn hai, dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.132 tỉ đồng (tương đương 524 triệu USD), được thực hiện trong thời gian 2015-2020. Giai đoạn này bao gồm ba phần chính. Trong đó, hợp phần một: Xây dựng tuyến cống bao từ giếng bờ Đông đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè quận 2 (dài 8 km). Hợp phần hai: Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (công suất thủy lực đến năm 2020 đạt 480.000 m3/ngày và 34.000 m3/giờ). Hợp phần ba: Xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2.
Đến tháng 4/2019, TP.HCM công bố mức đầu tư 2 nghìn tỷ đồng dành cho hợp phần một. Tuyến cống bao được bắt đầu thi công vào tháng 5/2017 có chiều dài 8 km, đường kính 3,2 m với quy mô xử lý nước thải lớn nhất cả nước lúc bấy giờ. Ngoài ra, hợp phần một còn xây dựng thêm 21 giếng (đường kính 11 m, sâu 19-29 m).
Đến năm 2011, công trình kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khánh thành. Để chỉnh trang cảnh quan dọc tuyến, thành phố đầu tư hơn 550 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1) dài khoảng 15 km.
Đến nay, nhiều người dân tại địa phương đã có thể vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao dọc bờ kênh. Giờ đây, Nhiêu Lộc – Thị Nghè như một điểm đến đẹp cho người dân TP.HCM. Song mỗi ngày, công nhân môi trường đi thuyền vớt rác thải, lục bình, cá chết… dọc tuyến kênh. Từ tháng 2/2020, chính quyền thành phố chi hơn 36 tỷ đồng nạo vét bùn, rác gần 9 km kênh để giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường nước. Với độ sâu nạo vét từ 0,9 đến 1,1 m, khoảng 122.000 m3 bùn được hút lên sau đó đem đến xử lý ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Quá trình xây dựng nói trên khá giống với kế hoạch triển khai ở trên sông Tô Lịch. Khi nhìn thấy kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhờ dự án Vệ sinh môi trường mà giảm bớt ô nhiễm, nhiều người dân tại sông Tô Lịch dần có sự tin tưởng vào phương án sắp hoàn thành này.
Để dự án Nhà máy nước Yên Xá có thể thuận lợi thành công hồi sinh các con sông trong nội đô. Các bên thực thi dự án không chỉ cần sự tin tưởng mà còn cần sự hỗ trợ của người dân.
Để hướng tới tương lai, mực nước tại sông Hồng có thể đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp dòng chảy cho các sông trong nội thành là nhờ chính những người dân sống tại hai bên bờ và lực lượng chức năng. Chính họ như những người chiến binh canh giữ, hạn chế hoạt động khai thác cát trái phép.
Để sông Tô Lịch có thể hồi sinh, người dân cũng cần phải có một thái độ văn minh, giữ gìn môi trường chung, không xả rác bừa bãi xuống sông hồ. Người dân tại đây cần giám sát lẫn nhau để có một môi trường sống trong lành. Rác thải không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước và không khí, nó còn tác động trực tiếp tới sức khỏe của người dân xung quanh.
Để dự án có thể đưa vào hoạt động thực tiễn cần có nhiều sự hỗ trợ của các chuyên gia. Chính vì mức đầu tư của thành phố có thể tăng lên theo thời gian. Ngoài chi phí dành cho dự án, họ cần thiết kế lại cảnh quan xung quanh. Một phố đi bộ, xe đạp dọc bờ sông Tô Lịch có thể là phần nổi bật nhất khi bờ sông lịch sử được hồi sinh.
Nói chung, để một dòng sông chết hồi sinh, người dân cùng các cấp chính quyền địa phương cần đồng lòng. Các dự luật bảo vệ môi trường cũng cần sửa đổi chặt chẽ hơn. Mong rằng, sông Tô Lịch trong tương lai có thể là điểm đến vui chơi cũng như là một nơi ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thanh Trà