Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên được kỳ vọng sẽ trở thành “trái tim” của hệ thống cấp nước Thừa Thiên Huế.
Theo HueWACO, dự án góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho người dân trước những mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Góp phần xây dựng hệ thống cấp nước hoàn chỉnh tại địa phương
Cách đây vừa tròn 115 năm, trạm bơm cấp 1 Vạn Niên do kiến trúc sư Bossard thiết kế với lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Đông và Tây, mang đậm dấu ấn của kiến trúc Cung đình Huế, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, dòng sông Hương, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức đã được khởi công xây dựng. Với công nghệ tiên tiến bậc nhất thời bấy giờ, nhà máy Vạn Niên được xem là một trong những hệ thống cấp nước (HTCN) hiện đại đầu tiên tại Việt Nam và đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống hạ tầng cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trải qua nhiều giai đoạn cải tiến và phát triển, năm 1998, NM Vạn Niên 2 đã được khởi công xây dựng từ nguồn vốn vay FRF (ODA) của Pháp và vốn đối ứng Việt Nam. Đến năm 1999, Trạm bơm cấp 1 Vạn Niên 2 với công suất 120.000 m3/ngày đêm cũng đã được chính thức vận hành.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, chất lượng nước hiện nay ngày càng suy giảm. Trong đó có nguồn nước tại sông Hương – nơi đáp ứng gần 80% nhu cầu cấp nước tại khu vực thành phố và các vùng phụ cận.
Bên cạnh đó, bước vào mùa mưa bão, độ đục ngầu của nước tăng đột biến. Có thời điểm gấp từ 100 đến 150 lần so với ngày thường; sắt mangan tăng gấp 100 lần. Trong khi vào mùa khô, rong tảo phát triển mạnh, chất hữu cơ trong nước tăng cao. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng nước thô đầu nguồn, gây khó khăn cho công tác sản xuất và cung ứng nước sạch.
Trước áp lực đảm bảo cấp nước an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khu vực thành phố Huế và phụ cần, ngày 02/22/2020, Công ty CP cấp nước Huế – HueWACO đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên công suất 120.000 m3/ngày đêm (Giai đoạn 1: 60.000 m3/ngày đêm).
Với vị trí quy hoạch chiến lược đắc địa, nằm ở thượng nguồn sông Hương, có các hồ đập Tả Trạch và thủy điện Bình Điền, cách Cồn Dã Viên 10km đường sông, nơi chất lượng nguồn nước ít bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp, Nhà máy XLNS Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm được ví như “trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vận hành hệ thống cấp nước thông minh
Với tổng diện tích 13,5ha nằm trong quy hoạch tổng thể, Nhà máy nước Vạn Niên thuộc phường Thủy Biều, Thành phố Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 22/11/2017. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, ở giai đoạn 1 của Dự án đầu tư xây dựng tất cả các hạng mục phần xây dựng đảm bảo công suất vận hành 120.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn 2, dự án được hoàn thiện và lắp đặt máy móc thiết bị công nghệ đảm bảo công suất xử lý nước 2 giai đoạn của dự án là 120.000 m3/ngày đêm.
Nhà máy XLNS Vạn Niên là Nhà máy có công suất lớn nhất của HueWACO với công nghệ tiên tiến, hiện đại, Nhà máy sử dụng công nghệ “Bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường”. Giải pháp công nghệ này giúp xử lý hiệu quả nguồn nước có độ đục cao đặc biệt vào mùa mưa lũ với độ đục sau lắng luôn dưới 0,5 NTU và chất lượng sau lọc có độ đục luôn dưới 0,02 NTU (thấp hơn 100 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), Fe, Mn dưới ngưỡng 0,001mg/l (thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam 300 lần).
Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi chất lượng nước nguồn sông Hương gây ô nhiễm hữu cơ, Amonia, Ni-tơ, màu, mùi, vị và nguy cơ hình thành sản phẩm phụ THMs khi sử dụng Clo để khử trùng nước uống, HueWACO cũng nghiên cứu ứng dụng bể lọc tiếp xúc sinh học cùng bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường trong xử lý nước sạch đảm bảo cấp nước an toàn vào công trình này. Đặc biệt đó là việc bố trí bể uBCF sau bể lắng thông minh đã giúp giải quyết bải toán xử lý các chất ô nhiễm khi nguồn nước có thành phần vô cơ, cặn lơ lửng quá cao (thời điểm lũ lụt, độ đục nước nguồn tăng đột biến) gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của lớp than hoạt tính sinh học trong bể uBCF, giúp loại bỏ các thành phần ô nhiễm vô cơ trước khi tiến hành xử lý chất hữu cơ.
Sau hơn 03 năm triển khai tích cực, nhà máy XLNS Vạn Niên đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 18/09/2023. Nhà máy đi vào hoạt động đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp nước cho khu vực thành phố Huế và phụ cận, nhất là trong đợt mưa lũ (độ đục nước nguồn tăng cao) năm 2023 và mùa hè năm 2024. Việc vận hành nhà máy cũng đã giúp ngưng hoạt động nhà máy Quảng Tế 1 (xây dựng từ 1909), áp lực và lưu lượng nước cả khu vực phía Bắc và phía Nam thành phố đã được cải thiện đáng kể, bên cạnh đó các chỉ tiêu định mức về điện năng, hóa chất cũng được tối ưu hóa và hiệu quả hơn so với phương án vận hành nhà máy Quảng Tế 1.
Bên cạnh việc nâng công suất, năng lực xử lý nước, công ty cũng nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh hiệu quả công tác sản xuất trên nền tảng công nghệ số, HueWACO đã tích cực thực hiện các Chiến lược chuyển đổi số trong đó, chú trọng triển khai Dự án xây dựng Trung tâm vận hành tự động hệ thống cấp nước.
Trung tâm ứng dụng hệ thống điều khiển tự động SCADA trong công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước để kết nối, tích hợp SCADA nhà máy, mạng lưới và các trạm quan trắc nguồn và mạng cấp nước nhằm theo dõi áp lực, lưu lượng trên mạng lưới đường ống. Từ đó, dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm trung chuyển điều áp, trạm bơm tăng áp phù hợp với nhu cầu sử dụng, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh, từng bước thực hiện mục tiêu quản lý thông minh hệ thống cấp nước, phù hợp với định hướng xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp nối những điểm sáng trong quá khứ, sau khi hoàn thành sứ mệnh cấp nước hơn 1 thế kỷ của mình, công trình trạm bơm Vạn Niên 1 xây dựng vào năm 1909 theo kiến trúc cung đình Huế sẽ được HueWACO trùng tu, xây dựng thành Bảo tàng Nước đầu tiên tại Việt Nam. Công trình này kết hợp với phương án cảnh quan và các công trình khác của nhà máy dự kiến sẽ tạo thành một tổ hợp kiến trúc độc đáo, kỳ vọng trở thành điểm đến tham quan du lịch lý tưởng của Thành phố Huế trong tương lai.
Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên công suất 120.000m3/ngđ cùng với hệ thống mạng lưới đường ống truyền tải và phân phối hơn 5.000 km các bể trung chuyển điều áp sẽ tạo thành một hệ thống hạ tầng cấp nước đồng bộ, bền vững cho tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Khiêm Anh